Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

Dạy trẻ cách bơi

Việc cho trẻ làm quen sớm với bơi lội đã dần trở thành một hoạt động cần thiết của nhiều bố mẹ có con nhỏ. Bơi lội không chỉ đem lại cho bé niềm vui, có thêm nhiều hoạt động giữa bạn và bé, mà còn là một cách tuyệt vời để bạn học hỏi kinh nghiệm nuôi dạy con từ các bậc cha mẹ khác và giúp bé thông minh, phát triển tốt hơn.
1. Bé 6-18 tháng: làm quen với nước

• Khám phá và dần cảm thấy thoải mái khi ở trong nước;
• Thực hiện các cú đạp quẫy đơn giản;
• Bắt đầu thành thạo với việc nổi, trượt trên nước, thổi bong bóng, chuyển đổi các tư thế, vào và ra khỏi nước (đều với sự giúp đỡ).

Để giúp bé, bạn xuống nước trước và cho bé những gợi ý rằng bạn sẽ mang bé xuống nước cùng. Bất kể là “Một, hai, ba, bốn” hay “Chuẩn bị, sẵn sàng, nào!”, hãy dùng chỉ một loại câu khi bạn ra hiệu với bé. Hát một vài bài hát ("Một con vịt" chẳng hạn) khi bạn dạy bé các kỹ năng mới, ví dụ như nổi trên nước bằng lưng hay đạp chân; kết hợp giai điệu của bài hát với một động tác sẽ giúp bé nhớ nhanh và sâu hơn.


Bạn nên lưu ý


• Một cách khác để giúp bé khám phá nước là đăng ký một lớp học bơi. Thời điểm tốt nhất để bắt đầu là khi bé được 6 tháng tuổi, bạn sẽ được dạy cách chơi với bé trong nước và tạo một nền tảng tốt cho bé học bơi về sau;
• Lớp học không nên có quá 10 đến 15 cặp;
• Đừng quên mặc cho bé loại tã bơi.

2. Bé 18 tháng đến 3 tuổi: bạo dạn và có thêm nhiều kỹ năng dưới nước

• Tiếp tục các kỹ năng cần thiết để bơi lội, như các động tác tay và đá chân đơn giản;
• Vào và ra khỏi nước bằng thang (khi bé gần 3 tuổi);
• Học cách thụp đầu xuống nước và nín thở.

Để giúp con luyện tập việc ngụp lặn dưới nước, bạn có thể cho bé chơi trò tìm kiếm, nhặt những chiếc vòng nhựa hoặc đồ chơi trong một cái bể bơi cạn dành cho con nít; hoặc bạn để những món đồ chơi nổi được trên mặt nước, cho bé chụp lấy và kéo lại phía mình. Các hoạt động này sẽ dạy bé các động tác tay cơ bản, chuẩn bị cho các thao tác đánh tay về sau. Bạn cũng có thể bảo con giả vờ như mình là một con tàu đang chạy dọc theo hồ, và bạn sẽ hỗ trợ cho "con tàu" này di chuyển.


Bạn cần lưu ý

• Bất kể bạn chọn lớp bơi nào cho con, hãy ở cạnh bên bé - các bài học bơi hoàn chỉnh có thể để sau;
• Tuy bé của bạn giờ đây đã trở nên dạn dĩ hơn với nước nhưng bé vẫn phải ở trong tầm tay của bạn mọi lúc mọi nơi;
• Hãy luôn mặc tã bơi cho bé.

3. Bé từ 3 đến 5 tuổi: bơi thành thạo hơn

• Có thể tự nổi được;
• Có thể dùng cánh tay và cẳng chân đẩy mình đi và đạp nước.

Đến giai đoạn này, bạn hãy làm theo người hướng dẫn, giúp con luyện tập một số kỹ năng như thở bong bóng và đạp chân. Bên cạnh đó, vẫn hãy bày con những trò chơi mà học như bảo bé giả làm một loài vật nào đấy và bơi nhại theo chúng, chẳng hạn như di chuyển như một chú cá heo, một con vịt hoặc một chú cún; chơi trò "đèn xanh, đèn đỏ" (bé sẽ bám vào thành bể và đạp chân khi bạn gọi “đèn xanh”) - đây vừa là cách luyện kỹ năng bơi, vừa luyện khả năng lắng nghe của bé.


Bạn cần lưu ý

• Đây là lứa tuổi bé đã có thể học một mình với giáo viên, nếu bạn quyết định cho con học, hãy nói trước với bé để bé có thời gian chuẩn bị;
• Tuy vậy, bạn hãy chọn lớp mà một huấn luyện viên không phải chịu trách nhiệm với nhiều hơn 6 trẻ;
• Khi đưa con đến hồ bơi, không cho bé chạy chơi sát hồ (và nói chung là không được chạy nhảy đùa giỡn do sàn ở đây thường dễ trơn trượt), dặn con và không để con ở gần hồ trừ phi có người lớn giám sát.

4. Bé từ 5 tuổi trở lên: "vận động viên" tài năng

• Biết phối hợp cử động tay chân, nhịp thở để bắt đầu các nhịp bơi đầu tiên;
• Biết nhảy và học cách lặn dưới hồ;
• Thành thục các kỹ năng nổi và lướt đi trên nước.

Khi con đã thành thục được những kỹ năng cần thiết, bạn có thể cho đồng xu vào những quả trứng nhựa nhiều màu sắc và cho bé lặn xuống để lấy chúng (khoảng cách không quá sâu nhé!). Với phương nằm ngang, bạn có thể bảo bé tưởng tượng mình như một chiếc tên lửa được phóng ra từ một bên hồ. Với sự hướng dẫn của huấn luyện viên, bạn cũng có thể khuyến khích các động tác nhào lộn dưới nước, đây là những bước chuẩn bị tốt nhất cho việc học cách lộn vòng đổi hướng.

Bạn cần lưu ý những điều sau

• Lớp học bơi cho bé ở tuổi này tốt nhất vẫn không nên có nhiều hơn 6 trẻ / 1 huấn luyện viên;
• Hãy nhắc cho bé nhớ về các quy định an toàn ở hồ bơi mỗi khi bạn đi cùng bé đến hồ.

Các nguyên tắc an toàn dưới nước:

Cho con học bơi thôi vẫn chưa đủ để giúp bé tránh được các nguy hiểm ở dưới nước. Bên cạnh đó, bạn còn cần kết hợp:

- Tại hồ bơi: Hãy chắc chắn rằng bể bơi có đủ người cứu hộ, và những người này ở đủ gần để có thể hỗ trợ ngay lập tức;
- Tại bãi biển: Làm theo các cảnh báo và ký hiệu của đội cứu hộ; luôn bơi cùng với con và đứng ở vị trí sâu hơn bé.
- Tại nhà: Nếu nhà bạn có hồ bơi, cần trang bị đầy đủ các phương tiện cứu trợ. Không cho bé tự bơi trừ khi có sự hiện diện và quan sát của người lớn, làm một hàng rào bảo vệ cao ít nhất là 1,2m quanh hồ bơi.


- Trước khi bạn đăng ký một lớp học bơi cho bé, hãy chắc chắn huấn luyện viên lớp đó đã được huấn luyện kỹ và có giấy chứng nhận, sau đó tham gia quan sát một buổi học cùng bé để tìm hiểu:

• Huấn luyện viên đó có nhiệt tình và đặt ra những nguyên tắc cụ thể hay không;
• Mỗi bé có nhận được đủ sự hướng dẫn riêng hay không;
• Huấn luyện viên có kiên nhẫn để trẻ tự học theo tốc độ tiếp thu và tiến triển của chúng không;
• Và điều quan trọng nhất, là các bé có vui vẻ hay không?

Ngoài ra bạn cũng cần lưu ý độ tuổi nào thì bé nên học bơi và cách chống nắng cho trẻ để đảm bảo được độ an toàn cho bé, cũng như niềm vui của hai mẹ con được trọn vẹn hơn nhé!

Vì sao trẻ béo phì luôn thèm ăn?

Vì sao trẻ béo phì luôn muốn ăn?

Cha mẹ có trẻ béo phì thường nhận xét là con họ luôn thích ăn, không bao giờ có chuyện liếc thấy những món ngon lành mà lại không muốn ăn cả, mặc dù vừa mới ăn xong một bữa sáng no căng.

Họ cũng than phiền là con cái cứ nài mua đồ ăn mỗi khi đi mua sắm, còn trẻ đủ lớn thì tự mở tủ lạnh lấy thức ăn. Cha mẹ mô tả rằng, chúng thậm chí tìm được thức ăn ở cả những nơi rất kín, và sẽ "nổi cơn tam bành" nếu cha mẹ cố gắng kiềm chế lối ăn của chúng.

Điều gì đã "điều khiển" hành vi phải lấy bằng được thức ăn của những đứa trẻ ăn quá nhiều này? Thực tế góp nhặt được từ những bệnh nhân điều trị béo phì đã cho thấy, có 3 loại cảm giác đói thường thấy ở chúng:

Cảm giác đói ở miệng

Về cảm giác đói này, một cô bé giải thích: vị của một số món ăn quá tuyệt vời đến nỗi cô bé ăn không thấy no, và chỉ ngừng khi không còn cái món ăn ngon lành ấy mà ăn nữa thôi. Cô bé ví dụ có lần thấy bánh hạnh nhân quá ngon và không kìm được, bé đã ăn hết cả chảo bánh; đến khi bé nhận ra thì đã quá no, đến nỗi không dám cử động vì sợ dạ dày vỡ và vì thế đã phải ngồi bất động một lúc lâu chờ an toàn rồi mới dám cử động.


Mặc dù ví dụ trên có vẻ cực đoan, nhưng là điều mà ta có thể quan sát thấy, ở nhiều mức độ khác nhau, ở những đứa trẻ bị thức ăn cuốn hút đến cùng cực. Một bà mẹ có con béo phì ở tuổi tập đi kể rằng cô rất sợ dẫn con đi ăn sinh nhật, vì bé sẽ "mọc rễ" ở cạnh bàn để đồ ăn rồi ăn liên tục ngay cả khi tất cả những đứa trẻ khác đã rời khỏi bàn và mải mê chơi đùa.

Cảm giác đói ở bụng

Một than phiền rất phổ biến của các phụ huynh có con béo phì là bọn trẻ dường như ăn không biết dừng, chúng cứ ăn, ăn mãi, cho đến khi không còn gì để ăn. Một gia đình đã một lần thử cho đứa con gái 2 tuổi thỏa sức ăn và thấy đứa bé cứ ăn rồi xin thêm đồ ăn mà không hề nhận ra mình đã no; đứa trẻ ăn cho đến khi mệt nhoài, và rồi phải được bế lên giường vì quá no, quá mệt, đi không nổi.

Một lần nữa, đây là trường hợp cực đoan cho thấy một đặc điểm phổ biến ở trẻ béo phì, tuy không phải lúc nào cũng nghiêm trọng như trên, là không biết khi nào đã no và khi nào cần ngừng ăn.

Cảm giác đói từ tâm tưởng
Bác sĩ Irene Chattor kể lại câu chuyện cậu bé Jackie 2 tuổi, được bố mẹ đưa đi khám vì bé bị bệnh béo phì trầm trọng, chuyên dùng thức ăn để tự dỗ mình. Từ phía sau lớp kính một chiều, bác sỹ quan sát bé ngồi chơi với mẹ và nhận thấy bé rõ ràng rất thích khoảng thời gian đặc biệt này bên mẹ. Bé rất vui vẻ cho đến khi bác sỹ bước vào, yêu cầu hai mẹ con ngừng chơi vì cần nói chuyện riêng với người mẹ. "Con đói," Jackie liền nói, và khi được bảo rằng bé vừa ăn trưa rồi thì bé òa khóc rất to và không cách nào dừng được.

Khi căng thẳng, giận dữ, trẻ béo phì có thể dịu đi được nhờ ăn uống. Khi còn nhỏ, chúng muốn có bình sữa để tự dỗ mình; lúc lớn hơn, chúng thích dùng nước ngọt để làm dịu cảm xúc. Chúng cũng học ăn (đặc biệt là ăn bim bim) để xua đi cảm giác khó chịu, và khóc lóc mỗi khi bị giữ đồ ăn lại. Điều này đã được các tài liệu mô tả, gọi là ăn do cảm xúc.

Hiểu được lối ăn uống của trẻ béo phì, cha mẹ sẽ dễ dàng tham gia vào việc điều trị béo phì cho con, và "Điều hòa ăn uống từ bên trong" sẽ mang lại hiệu quả hơn cả. Hãy đón đọc phần 2, bạn nhé!