Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

Dạy trẻ cách bơi

Việc cho trẻ làm quen sớm với bơi lội đã dần trở thành một hoạt động cần thiết của nhiều bố mẹ có con nhỏ. Bơi lội không chỉ đem lại cho bé niềm vui, có thêm nhiều hoạt động giữa bạn và bé, mà còn là một cách tuyệt vời để bạn học hỏi kinh nghiệm nuôi dạy con từ các bậc cha mẹ khác và giúp bé thông minh, phát triển tốt hơn.
1. Bé 6-18 tháng: làm quen với nước

• Khám phá và dần cảm thấy thoải mái khi ở trong nước;
• Thực hiện các cú đạp quẫy đơn giản;
• Bắt đầu thành thạo với việc nổi, trượt trên nước, thổi bong bóng, chuyển đổi các tư thế, vào và ra khỏi nước (đều với sự giúp đỡ).

Để giúp bé, bạn xuống nước trước và cho bé những gợi ý rằng bạn sẽ mang bé xuống nước cùng. Bất kể là “Một, hai, ba, bốn” hay “Chuẩn bị, sẵn sàng, nào!”, hãy dùng chỉ một loại câu khi bạn ra hiệu với bé. Hát một vài bài hát ("Một con vịt" chẳng hạn) khi bạn dạy bé các kỹ năng mới, ví dụ như nổi trên nước bằng lưng hay đạp chân; kết hợp giai điệu của bài hát với một động tác sẽ giúp bé nhớ nhanh và sâu hơn.


Bạn nên lưu ý


• Một cách khác để giúp bé khám phá nước là đăng ký một lớp học bơi. Thời điểm tốt nhất để bắt đầu là khi bé được 6 tháng tuổi, bạn sẽ được dạy cách chơi với bé trong nước và tạo một nền tảng tốt cho bé học bơi về sau;
• Lớp học không nên có quá 10 đến 15 cặp;
• Đừng quên mặc cho bé loại tã bơi.

2. Bé 18 tháng đến 3 tuổi: bạo dạn và có thêm nhiều kỹ năng dưới nước

• Tiếp tục các kỹ năng cần thiết để bơi lội, như các động tác tay và đá chân đơn giản;
• Vào và ra khỏi nước bằng thang (khi bé gần 3 tuổi);
• Học cách thụp đầu xuống nước và nín thở.

Để giúp con luyện tập việc ngụp lặn dưới nước, bạn có thể cho bé chơi trò tìm kiếm, nhặt những chiếc vòng nhựa hoặc đồ chơi trong một cái bể bơi cạn dành cho con nít; hoặc bạn để những món đồ chơi nổi được trên mặt nước, cho bé chụp lấy và kéo lại phía mình. Các hoạt động này sẽ dạy bé các động tác tay cơ bản, chuẩn bị cho các thao tác đánh tay về sau. Bạn cũng có thể bảo con giả vờ như mình là một con tàu đang chạy dọc theo hồ, và bạn sẽ hỗ trợ cho "con tàu" này di chuyển.


Bạn cần lưu ý

• Bất kể bạn chọn lớp bơi nào cho con, hãy ở cạnh bên bé - các bài học bơi hoàn chỉnh có thể để sau;
• Tuy bé của bạn giờ đây đã trở nên dạn dĩ hơn với nước nhưng bé vẫn phải ở trong tầm tay của bạn mọi lúc mọi nơi;
• Hãy luôn mặc tã bơi cho bé.

3. Bé từ 3 đến 5 tuổi: bơi thành thạo hơn

• Có thể tự nổi được;
• Có thể dùng cánh tay và cẳng chân đẩy mình đi và đạp nước.

Đến giai đoạn này, bạn hãy làm theo người hướng dẫn, giúp con luyện tập một số kỹ năng như thở bong bóng và đạp chân. Bên cạnh đó, vẫn hãy bày con những trò chơi mà học như bảo bé giả làm một loài vật nào đấy và bơi nhại theo chúng, chẳng hạn như di chuyển như một chú cá heo, một con vịt hoặc một chú cún; chơi trò "đèn xanh, đèn đỏ" (bé sẽ bám vào thành bể và đạp chân khi bạn gọi “đèn xanh”) - đây vừa là cách luyện kỹ năng bơi, vừa luyện khả năng lắng nghe của bé.


Bạn cần lưu ý

• Đây là lứa tuổi bé đã có thể học một mình với giáo viên, nếu bạn quyết định cho con học, hãy nói trước với bé để bé có thời gian chuẩn bị;
• Tuy vậy, bạn hãy chọn lớp mà một huấn luyện viên không phải chịu trách nhiệm với nhiều hơn 6 trẻ;
• Khi đưa con đến hồ bơi, không cho bé chạy chơi sát hồ (và nói chung là không được chạy nhảy đùa giỡn do sàn ở đây thường dễ trơn trượt), dặn con và không để con ở gần hồ trừ phi có người lớn giám sát.

4. Bé từ 5 tuổi trở lên: "vận động viên" tài năng

• Biết phối hợp cử động tay chân, nhịp thở để bắt đầu các nhịp bơi đầu tiên;
• Biết nhảy và học cách lặn dưới hồ;
• Thành thục các kỹ năng nổi và lướt đi trên nước.

Khi con đã thành thục được những kỹ năng cần thiết, bạn có thể cho đồng xu vào những quả trứng nhựa nhiều màu sắc và cho bé lặn xuống để lấy chúng (khoảng cách không quá sâu nhé!). Với phương nằm ngang, bạn có thể bảo bé tưởng tượng mình như một chiếc tên lửa được phóng ra từ một bên hồ. Với sự hướng dẫn của huấn luyện viên, bạn cũng có thể khuyến khích các động tác nhào lộn dưới nước, đây là những bước chuẩn bị tốt nhất cho việc học cách lộn vòng đổi hướng.

Bạn cần lưu ý những điều sau

• Lớp học bơi cho bé ở tuổi này tốt nhất vẫn không nên có nhiều hơn 6 trẻ / 1 huấn luyện viên;
• Hãy nhắc cho bé nhớ về các quy định an toàn ở hồ bơi mỗi khi bạn đi cùng bé đến hồ.

Các nguyên tắc an toàn dưới nước:

Cho con học bơi thôi vẫn chưa đủ để giúp bé tránh được các nguy hiểm ở dưới nước. Bên cạnh đó, bạn còn cần kết hợp:

- Tại hồ bơi: Hãy chắc chắn rằng bể bơi có đủ người cứu hộ, và những người này ở đủ gần để có thể hỗ trợ ngay lập tức;
- Tại bãi biển: Làm theo các cảnh báo và ký hiệu của đội cứu hộ; luôn bơi cùng với con và đứng ở vị trí sâu hơn bé.
- Tại nhà: Nếu nhà bạn có hồ bơi, cần trang bị đầy đủ các phương tiện cứu trợ. Không cho bé tự bơi trừ khi có sự hiện diện và quan sát của người lớn, làm một hàng rào bảo vệ cao ít nhất là 1,2m quanh hồ bơi.


- Trước khi bạn đăng ký một lớp học bơi cho bé, hãy chắc chắn huấn luyện viên lớp đó đã được huấn luyện kỹ và có giấy chứng nhận, sau đó tham gia quan sát một buổi học cùng bé để tìm hiểu:

• Huấn luyện viên đó có nhiệt tình và đặt ra những nguyên tắc cụ thể hay không;
• Mỗi bé có nhận được đủ sự hướng dẫn riêng hay không;
• Huấn luyện viên có kiên nhẫn để trẻ tự học theo tốc độ tiếp thu và tiến triển của chúng không;
• Và điều quan trọng nhất, là các bé có vui vẻ hay không?

Ngoài ra bạn cũng cần lưu ý độ tuổi nào thì bé nên học bơi và cách chống nắng cho trẻ để đảm bảo được độ an toàn cho bé, cũng như niềm vui của hai mẹ con được trọn vẹn hơn nhé!

Vì sao trẻ béo phì luôn thèm ăn?

Vì sao trẻ béo phì luôn muốn ăn?

Cha mẹ có trẻ béo phì thường nhận xét là con họ luôn thích ăn, không bao giờ có chuyện liếc thấy những món ngon lành mà lại không muốn ăn cả, mặc dù vừa mới ăn xong một bữa sáng no căng.

Họ cũng than phiền là con cái cứ nài mua đồ ăn mỗi khi đi mua sắm, còn trẻ đủ lớn thì tự mở tủ lạnh lấy thức ăn. Cha mẹ mô tả rằng, chúng thậm chí tìm được thức ăn ở cả những nơi rất kín, và sẽ "nổi cơn tam bành" nếu cha mẹ cố gắng kiềm chế lối ăn của chúng.

Điều gì đã "điều khiển" hành vi phải lấy bằng được thức ăn của những đứa trẻ ăn quá nhiều này? Thực tế góp nhặt được từ những bệnh nhân điều trị béo phì đã cho thấy, có 3 loại cảm giác đói thường thấy ở chúng:

Cảm giác đói ở miệng

Về cảm giác đói này, một cô bé giải thích: vị của một số món ăn quá tuyệt vời đến nỗi cô bé ăn không thấy no, và chỉ ngừng khi không còn cái món ăn ngon lành ấy mà ăn nữa thôi. Cô bé ví dụ có lần thấy bánh hạnh nhân quá ngon và không kìm được, bé đã ăn hết cả chảo bánh; đến khi bé nhận ra thì đã quá no, đến nỗi không dám cử động vì sợ dạ dày vỡ và vì thế đã phải ngồi bất động một lúc lâu chờ an toàn rồi mới dám cử động.


Mặc dù ví dụ trên có vẻ cực đoan, nhưng là điều mà ta có thể quan sát thấy, ở nhiều mức độ khác nhau, ở những đứa trẻ bị thức ăn cuốn hút đến cùng cực. Một bà mẹ có con béo phì ở tuổi tập đi kể rằng cô rất sợ dẫn con đi ăn sinh nhật, vì bé sẽ "mọc rễ" ở cạnh bàn để đồ ăn rồi ăn liên tục ngay cả khi tất cả những đứa trẻ khác đã rời khỏi bàn và mải mê chơi đùa.

Cảm giác đói ở bụng

Một than phiền rất phổ biến của các phụ huynh có con béo phì là bọn trẻ dường như ăn không biết dừng, chúng cứ ăn, ăn mãi, cho đến khi không còn gì để ăn. Một gia đình đã một lần thử cho đứa con gái 2 tuổi thỏa sức ăn và thấy đứa bé cứ ăn rồi xin thêm đồ ăn mà không hề nhận ra mình đã no; đứa trẻ ăn cho đến khi mệt nhoài, và rồi phải được bế lên giường vì quá no, quá mệt, đi không nổi.

Một lần nữa, đây là trường hợp cực đoan cho thấy một đặc điểm phổ biến ở trẻ béo phì, tuy không phải lúc nào cũng nghiêm trọng như trên, là không biết khi nào đã no và khi nào cần ngừng ăn.

Cảm giác đói từ tâm tưởng
Bác sĩ Irene Chattor kể lại câu chuyện cậu bé Jackie 2 tuổi, được bố mẹ đưa đi khám vì bé bị bệnh béo phì trầm trọng, chuyên dùng thức ăn để tự dỗ mình. Từ phía sau lớp kính một chiều, bác sỹ quan sát bé ngồi chơi với mẹ và nhận thấy bé rõ ràng rất thích khoảng thời gian đặc biệt này bên mẹ. Bé rất vui vẻ cho đến khi bác sỹ bước vào, yêu cầu hai mẹ con ngừng chơi vì cần nói chuyện riêng với người mẹ. "Con đói," Jackie liền nói, và khi được bảo rằng bé vừa ăn trưa rồi thì bé òa khóc rất to và không cách nào dừng được.

Khi căng thẳng, giận dữ, trẻ béo phì có thể dịu đi được nhờ ăn uống. Khi còn nhỏ, chúng muốn có bình sữa để tự dỗ mình; lúc lớn hơn, chúng thích dùng nước ngọt để làm dịu cảm xúc. Chúng cũng học ăn (đặc biệt là ăn bim bim) để xua đi cảm giác khó chịu, và khóc lóc mỗi khi bị giữ đồ ăn lại. Điều này đã được các tài liệu mô tả, gọi là ăn do cảm xúc.

Hiểu được lối ăn uống của trẻ béo phì, cha mẹ sẽ dễ dàng tham gia vào việc điều trị béo phì cho con, và "Điều hòa ăn uống từ bên trong" sẽ mang lại hiệu quả hơn cả. Hãy đón đọc phần 2, bạn nhé!

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Bệnh da trẻ thường hay bị vào mùa hè

Vào mùa hè, ánh nắng gay gắt, tiết trời oi bức khiến mồ hôi ra nhiều… nhiều bệnh ngoài da bộc phát mạnh , đặc biệt ở trẻ em.


Bệnh ngoài da trẻ em thường gặp

Cháy nắng: Da sẽ bị tia tử ngoại UV làm cháy nắng (bỏng nắng). Nhẹ thì chỉ bị đỏ da, đau rát; nặng hơn da sẽ bị bỏng phồng rộp và bong tróc…

Rôm sảy: Thông thường là những mụn hồng nhỏ li ti, nổi trên vùng lưng, trán, ngực của trẻ… Vì bị ngứa nên trẻ phải gãi, cào khiến vùng da có rôm sảy bị xây xát, nhiễm trùng, gây chốc lở, mưng mủ…

Chốc, nhọt: Là những bệnh nhiễm khuẩn về da có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là lứa tuổi mẫu giáo. Biểu hiện ban đầu là có những dát đỏ xung huyết, nhanh chóng tạo thành những bọng nước, sau đó vỡ ra đóng vảy. Nếu xảy ra ở da đầu, mủ làm dính các sợi tóc lại với nhau gọi là chốc đầu. Còn nhọt là tình trạng viêm toàn bộ nang lông, sưng tấy có thể gây sốt, viêm hạch…

Hăm da, viêm da: Có triệu chứng đỏ da từ nhẹ (là hăm da, hăm kẽ) đến nặng hơn là ngứa cơ thể, sưng và nổi mụn nước.

Cách phòng ngừa:

Bổ sung nước và trái cây tươi cho trẻ, tránh chơi ngoài nắng nóng luôn giữ vệ sinh sạch sẽ thoáng mát.

Tắm cho trẻ hằng ngày - việc tắm rửa mùa hè có hai tác dụng, một là giải nhiệt, làm mát cơ thể, hai là vệ sinh da, chống các bệnh ngoài da nêu trên. Nhiều bậc phụ huynh dùng các loại thảo dược đun nấu như nấu khổ qua, lá trầu không, lá tràm… để tắm cho trẻ. Tuy nhiên, phương pháp này phải tốn rất nhiều thời gian, kèm theo đó nếu thực hiện không đúng cách có thể làm da bé bị viêm, vì các loại lá có thể chứa nhiều vi khuẩn gây hại, các loại lông tơ trên lá cũng dễ gây kích ứng da trẻ.

Để giải tỏa những vấn đề trên, các bậc phụ huynh nên dùng các chế phẩm được chiết xuất từ thảo dược như cao trầu không, cao hạt ngò và hoạt chất Alpha-terpineol chiết xuất từ tinh dầu tràm thiên nhiên… tắm cho bé hằng ngày để phòng các bệnh về da như rôm sảy, chốc đầu viêm da, hăm da. Đồng thời các thành phần dưỡng da từ thảo dược sẽ giúp nuôi dưỡng làn da bé mịn màng hơn.

Nguyên nhân tai hại trẻ biếng ăn?

 
Ăn là một nhu cầu cấp thiết đối với bất cứ ai. (Ảnh minh họa)

Chỉ vì mong muốn con mập mạp hơn, nhiều mẹ phạm sai lầm ngớ ngẩn là ép con ăn.

Ăn là một nhu cầu cấp thiết đối với bất cứ ai. Ăn không chỉ giúp con người tồn tại mà thông qua ăn uống người ta tìm thấy sự khoái cảm và thỏa mãn. Ăn hay gọi là thưởng thức món ăn là một chủ đề hấp dẫn, vì cơ thể con người muốn tồn tại cần phải có dưỡng chất được lấy từ thực phẩm (sữa, cháo,cơm, thịt, cá…). Khi đói, con người cảm thấy hẫng hụt, thèm muốn, do đó hoạt động ăn làm thỏa mãn cơn đói và bù đắp sự hẫng hụt cơ thể.

Trẻ em cũng vậy, hầu hết trẻ em sinh ra về bản năng đều tìm đến vú mẹ, khi trẻ (lớn lên) biết ăn thì mùi vị của món ăn (về bản năng) tự động gây ra thích thú. Tuy nhiên ngày nay có một hiện tượng khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ em thành thị không có cảm giác thèm ăn, không muốn ăn bất cứ thứ gì, bữa ăn là một cực hình đối với trẻ và cha mẹ phải đánh vật với trẻ vào mỗi bữa ăn. Với trẻ ăn uống là một điều sợ hãi, còn cha mẹ thì lo lắng và bực bội.

Đừng ép trẻ ăn nếu muốn trẻ ăn ngoan (Ảnh minh họa).

Có nhiều nguyên nhân cho vấn đề này, tuy nhiên điều phải lưu ý là sự kỳ vọng của cha mẹ làm sao giúp trẻ có một thân hình mập mạp. Để làm được điều này cha mẹ đi tư vấn bác sỹ dinh dưỡng muốn có một thực đơn khoa học, đủ chất và đầy đủ calo (ngày trẻ phải ăn bao nhiêu gram thị, cá, rau dền, cà rốt,cam…), ăn giờ nào trong ngày và ngày ăn mấy bữa…

Khi các bậc cha mẹ quá tin vào bác sĩ thì sẽ không tin trẻ (vì chưa chắc trẻ đã thích thực đơn bác sỹ cung cấp) và chình mình (về bản năng người mẹ có thể nhận ra trẻ thích gì và không thích gì, trẻ ăn được bao nhiêu là đủ…). Chế độ ăn này được lặp đi lặp lại hàng ngày và như vậy diễn ra sự mâu thuẫn giữa sở thích của trẻ và mong muốn của bác sĩ. Nếu cha mẹ là người triệt để tuân theo khoa học sẽ theo chỉ dẫn của bác sĩ và bỏ qua phản ứng của trẻ và tiếng gọi bản năng từ người mẹ. Như vậy, ép trẻ ăn là một điều tất yếu.

Khi ép ăn mà trẻ không muốn sẽ tạo ra một cảm giác bực bội ở cha mẹ, sự nóng vội (do suy nghĩ sợ con gầy yếu) khiến cha mẹ căng thẳng và tiếp tục ép ăn nghiêm khắc hơn. Hiện tượng này diễn ra hàng ngày có thể dẫn trẻ tới cảm giác ám sợ ăn. Đồng thời trong quá trình ép ăn, nét mặt căng thẳng của mẹ làm trẻ mất an toàn cộng với sự sợ hãi của trẻ sẽ làm mất đi cảm giác thèm ăn (vì không ai thèm (thích) ăn khi đang sợ hãi). Một cái vòng luẩn quẩn được tạo ra: ép trẻ ăn mà trẻ không ăn sẽ làm cha mẹ bực bội căng thẳng, cha mẹ thấy trẻ không muốn ăn sợ trẻ ốm yếu hơn và càng ép trẻ nhiều hơn, nét mặt căng thẳng của cha me và sư sợ hãi của trẻ trước/trong mỗi bữa ăn làm cho trẻ không có cảm giác thèm ăn.

Khi tuân theo công thức của bác sĩ, các bà mẹ không quan tâm đến con mình thích món ăn gì, trẻ ăn bao nhiêu là đủ và khi nào trẻ muốn ăn. Điều này sẽ đẩy tình trạng căng thẳng giữa cha mẹ và con cái ngày càng tăng cao.

Trẻ biếng ăn còn xảy ra khi có nhưng bậc cha mẹ quá tốt, họ đọc trước các ý nghĩ của con, họ cho trẻ ăn trước khi trẻ có cảm giác thèm ăn - cho trẻ ăn trong khi trẻ chưa có ham muốn được ăn. Cách cho ăn này lặp đi lặp lại vô tinh đã tước đi cảm giác thèm ăn của trẻ. Lâu ngày không được giải quyết trẻ sẽ rơi vào tình trạng biếng ăn tâm lý.

Trẻ biếng ăn có thể được nuôi dạy trong một gia đình có nhiều mâu thuẫn, cả ngày cha mẹ đi làm và thường mâu thuẫn xảy ra khi gặp nhau vào bữa ăn. Bầu không khí gia đình căng thẳng khiến trẻ bất an. Trẻ không thể ăn ngon trong bầu không khí gia đình như vây.

Nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn tiếp theo có thể là do trẻ sử dụng biếng ăn là điều kiện muốn cha mẹ quan tâm đến trẻ hơn (vì trẻ ít được quan tâm chăm sóc do cha mẹ quá bận bịu với công việc, kiếm tiền). Trẻ nhận thấy mỗi khi không ăn cha mẹ sẽ để ý đến trẻ hơn và sử dụng vấn đề này làm điều kiện với cha mẹ.

Nếu trẻ biếng ăn do nguyên nhân đến từ cha mẹ, thì những người lớn đã vô tình tước đi cảm giác thèm ăn - một nhu cầu căn bản và cấp bách của trẻ, lấy đi quyền được hưởng sung sướng của các em. Để giải quyết tốt mối quan hệ mẹ con trong ăn uống và giúp trẻ trọn vẹn thỏa mãn, trước hết các bậc cha mẹ nên lắng nghe sự mách bảo từ bản năng của mình xem trẻ thích ăn gì, trẻ không thích gì, ăn bao nhiêu là đủ, ăn khi nào. Còn các chỉ dẫn mang tình khoa học hay thực đơn hướng dẫn của bác sĩ nên chỉ dùng để tham khảo, định hướng cho cảm nhận bản năng của người mẹ.

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Bảo vệ da cho trẻ từ hồi nhỏ

Những tổn thương do tia UV (tia cực tím) gây cho con người lúc nhỏ góp phần đáng kể vào sự phát triển của bệnh ung thư da ở giai đoạn trưởng thành.

Thói quen áp dụng các biện pháp bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời nên hình thành từ khi trẻ còn nhỏ và trở thành bản năng cần thiết, tương tự như việc cài dây an toàn khi ngồi trên ôtô. Dạy trẻ hạn chế phơi nắng sẽ tạo ra những tác động tích cực tới việc giảm thiểu tác động của bệnh ung thư da sau này.

Theo Terry Selvin, Chủ tịch Hiệp hội phòng chống ung thư Australia: “Nhiều trẻ em bị bỏng nắng vào những ngày cuối tuần và những kỳ nghỉ. Các trường học đang dạy cho trẻ cách bảo vệ bản thân khỏi sự ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời, tuy nhiên điều này vẫn còn phụ thuộc nhiều vào việc cha mẹ có củng cố những thói quen đó ở nhà cho trẻ hay không”.

Việc này không chỉ dừng lại ở việc thường xuyên nhắc nhở trẻ phải đội mũ và đeo kính mát mỗi khi ra ngoài, mà cha mẹ còn phải làm gương cho con và giảng giải vì sao cần phải bảo vệ cơ thể dưới tác động của ánh nắng mặt trời. Selvin cũng khuyến cáo, phụ huynh cần dạy trẻ rằng da bị sạm đi là dấu hiệu cho thấy da đang bị tổn thương. Để giữ cho cơ thể khỏe mạnh thì ngay từ bây giờ phải biết tự bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời bằng các biện pháp thích hợp. Điều này cũng tương tự như việc cần phải ăn nhiều rau xanh và trái cây vậy.

Dạy trẻ cách tự bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời là điều cần thiết.
5 cách bảo vệ da cần dạy cho trẻ:

Chơi trong bóng râm
Ở trong bóng râm là một trong những cách hữu hiệu nhất để giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, tuy nhiên vẫn có thể bị rám nắng do sự phản chiếu của tia cực tím lên các bề mặt như sàn bê tông, nước và cát. Vì vậy cần đảm bảo rằng bạn đã bôi kem chống nắng cho trẻ.

Mặc đồ bơi liền thân

Tạo cho trẻ thói quen mặc những loại đồ bơi liền thân mỗi khi đi bơi. Đồ bơi sẽ giãn ra và mỏng đi khi sử dụng nhiều lần và giảm tác dụng bảo vệ cơ thể. Vì vậy cần thay thế đồ bơi khi chúng quá cũ.

Đội mũ rộng vành khi ra nắng

Cần dạy cho trẻ hiểu rằng cách tốt nhất để bảo vệ vùng da ở mặt và cổ là đội mũ rộng vành khi ra nắng. Những vùng da có nguy cơ ung thư cao là cổ, tai, thái dương, môi, mặt và mũi.

Đeo kính mát

Cần tạo cho trẻ thói quen đeo kính mát ngay từ nhỏ. Loại kính mát mà bạn sử dụng cho trẻ phải đảm bảo chất lượng và phù hợp với từng độ tuổi.

Tập thói quen bôi kem chống nắng cho trẻ

Trẻ em thường có xu hướng thích hoạt động ngoài trời, vì vậy cần cho chúng quen với việc bôi kem chống nắng mỗi khi vận động ngoài trời.

Tìm hiểu về chỉ số tia cực tím

Nắm được chỉ số tia cực tím ở khu vực đang sống sẽ giúp ích rất nhiều trong việc lựa chọn những biện pháp chống nắng phù hợp và biết được giờ nào trong ngày nên tránh tiếp xúc với ánh nắng. Ngày nay, bạn có thể dễ dàng tải những tiện ích cung cấp thông tin về chỉ số tia cực tím cụ thể theo từng khu vực vào điện thoại di động.

Chỉ số tia cực tím cho biết mức độ tia cực tím tác động lên bề mặt trái đất. Chỉ số tia cực tím càng cao thì càng có tác động xấu lên da. Sử dụng kem chống nắng và các biện pháp bảo vệ da thích hợp khi chỉ số UV từ 3 trở lên.

Thu Lê
Nguồn: Kid Spot/VnExpress

Những nguyên nhân khiến trẻ dễ viêm họng vào hè

Mùa nóng, sức đề kháng của bé giảm, kém ăn, ra nhiều mồ hôi nên dễ viêm đường hô hấp. Trường hợp nhẹ, bé có khả năng bị viêm họng; trường hợp nặng có thể viêm amiđan, viêm phổi…

Bé bị đau họng có thể do virus (thường xảy ra khi cảm cúm hoặc cảm lạnh) hoặc do vi khuẩn (như nhiễm khuẩn liên cầu).

Làm dịu cơn đau họng cho bé

Nếu bé đã bước vào tuổi ăn dặm thì đồ uống ấm, trà (loại dành riêng cho bé) hoặc nước luộc rau có thể làm dịu ổ họng bị đau. Không nên thêm mật ong vào trà cho đến khi bé được khoảng một tuổi, vì mật ong chứa bào tử gây độc có thể ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa của bé. Cũng có thể cho bé uống nước lọc hoặc nước táo ép mát.
Nếu bé bị đau họng nặng, bố mẹ nên trao đổi với bác sĩ để sử dụng thuốc giảm đau cho bé (thường là acetaminophen và ibupronfen). Tuyệt đối không cho bé uống aspirin vì nó có liên quan đến hội chứng Reye ở bé.

Dấu hiệu nên đưa bé đi khám

Bé bị viêm họng thường kèm theo quấy khóc, kém bú, chán ăn nên cha mẹ dễ nhầm tưởng đó là những dấu hiệu khó chịu khi bé mọc răng. Nếu bé sốt cao, nhịp thở nhanh, chảy dãi nhiều thì nên đưa đi khám. Với trẻ dưới 3 tháng tuổi, đưa đi khám ngay khi bé xuất hiện dấu hiệu bị sốt. Bé khoảng 3-6 tháng tuổi, sốt đến khoảng 38,3 độ C là nghiêm trọng. Bé trên 6 tháng tuổi sốt ở mức 39 độ C thì cần cảnh báo.

Nếu bé bị đau cả ở khoang miệng, bạn nên đưa đi kiểm tra. Đưa đi khám nếu bé dưới 3 tháng tuổi sốt đến 38 độ C hoặc hơn. Cũng nên đưa bé đi khám sớm nếu cổ họng có dấu hiệu bất thường như sưng (tấy) đỏ; nghi ngờ bé nuốt phải dị vật (bé không thể mở to miệng vì đau); hơi thở trở nên khó nhọc; kém bú (ăn) và quấy khóc liên tục.

Trường hợp nhập viện khẩn cấp thường khá hiếm. Đó là tình huống bé bị nhiễm khuẩn cổ họng tới mức không thể ăn, uống được bất kỳ thứ gì; bé khó thở, sốt cao và chảy dãi liên tục. Không nên cố ép bé ngồi xuống, mở to miệng để kiểm tra; cũng tránh ép bé phải ăn, uống vì chỉ khiến bé khó thở hơn. Tốt nhất, nên đưa bé đi khám sớm.

Trường hợp đau họng nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc; nếu không dùng thuốc, hệ miễn dịch của bé sẽ tự “chiến đấu” với virús gây bệnh và chiến thắng chúng trong vòng vài ngày đến một tuần. Trong khoảng thời gian này, bé cần được nghỉ ngơi, chăm sóc bằng những loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.

Nếu nghi ngờ bé bị nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định dùng kháng sinh cho bé. Tùy từng loại bệnh, bác sĩ sẽ cho bé dùng thuốc cụ thể. Cha mẹ nên tuân thủ nghiêm ngặt việc dùng thuốc cho con vì nếu tự ngưng thuốc giữa chừng, vi khuẩn có khả năng tấn công trở lại và khiến họng của bé bị đau trầm trọng hơn.

Cách phòng tránh

Vi khuẩn và virus có thể là thủ phạm gây đau họng cho bé. Bạn nên vệ sinh bàn tay của bé thường xuyên (vì các bé có thói quen mút tay - mầm bệnh sẽ theo đó vào khoang miệng).

Nếu bé đã bước vào tuổi ăn dặm, cha mẹ nên sắm dụng cụ nấu ăn riêng cho bé (không chung đụng với người thân trong nhà). Vệ sinh bàn tay người lớn thường xuyên, nhất là mỗi lần thay tã cho bé.

Có thể dùng máy điều hòa nhiệt độ trong phòng bé nhưng nên lưu ý cách sử dụng để không khiến bé bị viêm họng:

- Không nên đặt bé nằm ở nơi có luồng gió trực tiếp. Nhiệt độ lý tưởng trong phòng của bé nên được duy trì ở mức 24-26oC.

- Khi không sử dụng điều hòa, nên mở phòng của bé cho thoáng khí. Nên thường xuyên vệ sinh điều hòa để tránh nhiễm bẩn.

Sử dụng quạt hợp lý. Tương tự như điều hòa, không nên để quạt thốc trực tiếp vào vùng mặt của bé. Có thể bật quạt hướng thẳng vào tường, phía chân của bé khi bé ngủ. Ở vị trí này, hơi mát từ quạt có thể lan tỏa khắp phòng và khiến bé ngủ ngon.

Nếu bé ngủ chung giường với bố mẹ, có thể bật và cho quạt quay nhẹ bên ngoài màn. Tốt nhất, người lớn nên nằm ngoài (tiếp xúc trực diện với hướng gió) và để bé ngủ ở vị trí bên trong. Nhiều người mẹ chọn cách quạt tay cho bé trong những ngày nhiệt độ không quá cao.

Không nên để bé quá nóng. Nhiều người mẹ lo con bị lạnh, dễ viêm họng nên tìm cách ấp ủ bé quá nóng như mặc áo dài tay hoặc đắp chăn cho bé trong thời tiết mùa hè. Khi ấy, bé có khả năng dễ bị toát mồ hôi. Lượng mồ hôi này không được thoát ra bên ngoài, dễ hấp thu ngược lại cơ thể bé nên càng khiến bé có khả năng bị viêm họng.

Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Đưa bé từ môi trường nóng sang môi trường lạnh một cách đột ngột có thể khiến bé bị đau họng. Do đó, trước khi đưa bé từ trong phòng có điều hòa nhiệt độ ra bên ngoài, bạn nên chuyển bé sang một phòng khác có quạt mát khoảng 10-15 phút; cuối cùng, bạn mới nên đưa bé ra ngoài trời.

Không tắm sau khi bé vận động hoặc đổ nhiều mồ hôi. Nếu tắm ngay sau khi bé ra nhiều mồ hôi thì trẻ dễ bị viêm họng hoặc mắc chứng cảm lạnh, do sự thay đổi thân nhiệt đột ngột.

Nên lưu ý đến việc sử dụng bàn chải và cách vệ sinh răng, miệng cho bé. Những loại vi khuẩn cư trú trên bề mặt bàn chải có khả năng gây các chứng bệnh trong khoang miệng của bé. Trước mỗi lần đánh răng, bạn nên nhúng bàn chải của bé vào một cốc nước ấm, có pha muối nhạt. Cách này cũng giúp loại bỏ phần nào vi khuẩn gây bệnh có trong bàn chải. Sau khi bé đánh răng, bạn nên cho bé súc miệng bằng nước muối ấm, pha nhạt.

Hạn chế cho bé dùng đá lạnh, ăn kem hoặc uống nước lạnh. Đây được coi là một trong những món ăn khoái khẩu của các bé. Các loại nước uống và đồ ăn lạnh nếu được dùng thường xuyên sẽ gây chứng viêm họng cho bé.

Chú ý những kỳ nghỉ mát dành cho bé. Nếu ngâm mình trong bể bơi hoặc khu vực nước biển liên tục (nhiều giờ liền) có thể khiến các bé mắc bệnh về hô hấp.

Những tác nhân từ môi trường xung quanh như khói thuốc lá, khói than tổ ong, bụi bẩn, lông chó (mèo), phấn hoa… cũng khiến tình trạng viêm họng của bé trầm trọng hơn.

Nguồn: Sức khoẻ & Đời sống/VnExpress

Dạy bé cách tiêu tiền qua trò chơi

Bạn bày lên bàn một vài món đồ, chẳng hạn như hoa quả, chiếc kẹp tóc, bút, sách… và làm bảng giá cho mỗi thứ rồi chuẩn bị cho bé một ít tiền để trong vai trò người đi mua, bé sẽ tự “sắm” những món mình thích. Mẹ nên khuyến khích bé mặc cả cho mỗi thứ đó.Trò chơi này phù hợp với các bé bậc tiểu học.

Qua các trò chơi nho nhỏ, bạn không chỉ gắn kết thêm sự thân thiết giữa hai mẹ con mà còn chủ động dạy bé những bài học đầu tiên về giá trị của đồng tiền.

Dành cho các bé từ 2 - 3 tuổi

Trò chơi với những tờ tiền

Đưa cho con bạn 3 tờ tiền (là giả) và bạn cũng giữ 3 tờ. Sau đó, bạn hãy cùng con hát một bài mà bé ưa thích, đồng thời lấy lại một tờ tiền trên tay của bé. Bé cũng bắt chước bạn và rút một tờ trên tay bạn. Khi bài hát kết thúc, ai giữ được nhiều tờ tiền hơn, người đó thắng cuộc.

Bạn cũng có thể tăng số lượng các tờ tiền lên (4, 5 hay 6 tờ) ở các lần chơi sau.

Trò chơi săn tìm kho báu

Bạn giấu những đồng tiền hoặc “của cải” (các vật ưa thích của bé) trong vườn hoặc ở các góc nhà. Trang bị cho bé một chiếc xẻng nhựa để bé đào xới (nếu bạn chôn trong vườn) hay bản đồ “kho báu” (nếu bạn giấu trong nhà). Hãy để bé tự tìm kiếm kho báu của mình và đừng quên khen ngợi mỗi khi bé tìm được một đồng tiền hay một báu vật. Sau khi bé đã tập hợp đủ kho báu, bạn có thể cùng con sắp xếp lại chúng và cất ở nơi bé muốn.

Bạn nên lưu ý những đồng tiền thường rất nhỏ và rất có thể bé sẽ cho vào miệng khi bạn không để ý.

Trò chơi trả tiền
Bé sẽ đóng vai người bị yêu cầu, còn bạn đóng vai người yêu cầu. Bạn hãy chuẩn bị một số tờ tiền (giả) và để bé vẽ lên các con số quy định giá trị của tờ tiền (chẳng hạn như 1000 đồng, 2000 đồng…).

Đặt chiếc rổ nhỏ hay chiếc túi trước mặt bé. Mỗi lần bạn bỏ vào đấy 1 tờ tiền, bạn có thể yêu cầu bé làm một việc và số lần làm việc này tương đương với con số ghi trên tờ tiền. Ví dụ, bạn có thể yêu cầu bé thơm mẹ 3 cái, chạy quanh nhà 5 vòng…

Lặp lại trò chơi và đổi vị trí cho bé để tạo cho bé thêm hứng thú.

Trò chơi người thắng cuộc

Bạn chuẩn bị 1 đồng xu 200, 1 đồng xu 500, 1 đồng xu 1000, 1 đồng xu 2000 và 1 đồng xu 5000. Bạn hãy đề nghị bé tìm cho bạn đồng xu nhỏ nhất, đồng xu lớn nhất và giúp bé phân biệt chúng.

Bạn cũng có thể dùng tiền giấy để chơi cùng bé và giúp con phân biệt tờ tiền nào nhỏ nhất, tờ tiền nào lớn nhất và tờ tiền nào có màu đậm nhất.

Trò chơi này không chỉ giúp bé phát triển nhận thức về kích thước, số lượng, màu sắc mà còn giúp bé hiểu rõ giá trị của những tờ tiền.

Chú ý: Hạn chế sự nguy hiểm của đồng xu. Nên thu dọn các vật nhỏ (đồng xu) cho bé sau khi chơi và không để bé chơi một mình hoặc với bạn cùng lứa.

Dành cho các bé 3 - 6 tuổi

Trò chơi xếp tiền

Bạn chuẩn bị một số đồng xu có mệnh giá 200, 500, 1000, 2000 và 5000 đồng rồi để tất cả vào một chiếc hộp bên phải. Bạn cũng để vào chiếc hộp bên trái những tờ tiền giấy có mệnh giá tương đương.

Sau đó, yêu cầu bé xếp các đồng xu và các tờ tiền giấy thành những cặp có giá trị tương đương. Bạn có thể hướng dẫn bé cách phân loại dựa vào con số ghi trên mỗi đồng xu và mỗi tờ tiền.

Trò chơi tiền thật - tiền giả

Bạn photo một số tờ tiền giấy mệnh giá nhỏ (nếu có thể thì photo màu là tốt nhất), sau đó cắt chúng ra các kích cỡ bằng tiền thật. Trộn lẫn những tờ tiền giả này với những tờ tiền thật và yêu cầu bé tìm những tờ tiền thật. Bạn có thể thưởng cho con những tờ tiền thật tìm được và gợi ý bé tiết kiệm hoặc cất vào một góc riêng của mình.

Trò chơi này giúp bé phân biệt được những tờ tiền thật và có ý thức tíết kiệm tiền.

Dành cho các bé học tiểu học

Trò chơi tìm sự khác biệt

Bạn sưu tập những tờ tiền giấy có mệnh giá 10.000 và 20.000 đồng rồi cho bé so sánh với các tờ tiền polymer có mệnh giá tương đương và giúp bé tìm ra những sự khác biệt về màu sắc, họa tiết, chất liệu… Bạn có thể giải thích cho bé hiểu tại sao những tờ tiền mới lại khó có thể làm giả (chất liệu, màu sắc, những hoa văn chìm…).

Trò chơi đi chợ

Cắt từ các tạp chí những tranh ảnh về các loại thực phẩm như rau quả, thịt, cá, trứng… đồng thời bạn hãy làm những bảng giá tiền giống như ở siêu thị cho mỗi loại thực phẩm đó (ví dụ như rau muống giá 2000 đồng, trứng giá 3000 đồng…). Sau đó, đề nghị bé “đi chợ” và chuẩn bị một bữa cơm cho gia đình với tổng giá tiền là 10.000 đồng. (Bạn có thể tăng dần mức giá tiền của bữa ăn để tạo cho bé sự đổi mới).

Trò chơi những cái lọ đựng tiền
Bạn chuẩn bị khoảng 2 - 3 chiếc lọ thủy tinh (không cần phải quá to) và nhét vào trong những đồng tiền xu hoặc tiền giấy. Hỏi bé xem trong mỗi lọ có bao nhiêu tiền. Sau đó bạn có thể để bé lấy tiền ra và đếm lại xem mình đoán có đúng không.

Trò chơi đo khoảng cách

Trước khi bắt đầu trò chơi, bạn có thể chuẩn bị cho bé một xấp tiền bằng giấy (tự làm) và để bé điền mệnh giá lên mỗi tờ.

Sau đó, bạn hãy bảo bé xếp từng tờ tiền tiếp nối nhau từ giường ra đến cửa ra vào, hoặc từ ghế salon đến TV… Sau khi bé đã xếp xong, bạn hãy yêu cầu bé đếm xem khoảng cách đó trị giá bao nhiêu tiền.

Nguồn: VnExpress