Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

Nghệ sĩ Văn Hiệp qua đời

“Bác trưởng thôn” Văn Hiệp hay còn được khán giả yêu mến gọi là “ông đơn giản, gọn nhẹ” đã qua đời sáng nay, ngày 9/4 tại nhà riêng, hưởng thọ 71 tuổi. Dù biết ông chiến đấu với bệnh tật một thời gian dài nhưng khi nghe tin xấu, nhiều nghệ sĩ vẫn bàng hoàng…

Thông tin nghệ sĩ hài Văn Hiệp qua đời được đăng tải trên trang cá nhân của nghệ sĩ hài Vượng “Râu” sáng ngày 9/4 khiến không ít người xót thương.

"Sáng ra ngủ dậy, nghe một tin đau đớn! Nghệ sĩ Văn Hiệp đã ra đi! Ôi dẫu biết rằng sinh tử là lẽ thường ở đời! Nhưng sao nghe tin "Bố" ra đi mà lòng đau đến thế!!!”, cả cuộc đời sống trọn vẹn với niềm vui sân khấu và điện ảnh! Miệt mài cống hiến như con "giun" trong bài thơ "Bố" viết…”, nghệ sĩ Vượng “râu” chia sẻ trên facebook.

Trưởng thôn Văn Hiệp qua đời
Nghệ sĩ Văn Hiệp qua đời sáng nay, ngày 9/4

Nghệ sĩ Văn Hiệp đã qua đời tại nhà riêng do bị tràn dịch màng phổi và suy thận nặng. Từ tết Âm lịch đến nay, nghệ sĩ Văn Hiệp đã có một khoảng thời gian dài điều trị bệnh rối loạn tiêu hóa tại bệnh viện nhưng do tuổi cao sức yếu, nghệ sĩ đã không qua khỏi.

Người thân của “Bác trưởng thôn” Văn Hiệp cũng cho biết, lễ viếng, truy điệu nghệ sĩ Văn Hiệp sẽ được tổ chức vào 10 giờ -11 giờ 30 ngày 11/4/2013 (tức 2/3 Âm lịch) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông và hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ, Văn Điển (Hà Nội).

Trưởng thôn Văn Hiệp qua đời
Nghệ sĩ Văn Hiệp (trái) trong một tiểu phẩm hài

Nghệ sĩ Văn Hiệp sinh năm 1942. Ông là thế hệ đầu tiên học tại trường Sân khấu điện ảnh. Là người Hà Nội gốc, nhưng ông không có cái vẻ công tử phong lưu, mà ngay từ thời trẻ ông đã tự nhận thấy những hạn chế của mình khi bước vào nghề diễn "mặt xấu xí, mắt híp, quần áo chẳng bao giờ là, đầu tóc chuyên một kiểu". Thời gian đầu ông công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam và tham gia diễn xuất trong các vở: cậu bé Sacca trong kịch Nila, Y tá Háp trong vở Đôi mắt, Phi Vân trong vở Hoa pháo, vai Ốc trong vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến…đã để lại trong lòng khán giả nhiều ấn tượng sâu sắc. Rồi ông chuyển sang diễn hài và được đông đảo khán giả yêu mến. Biệt danh “Trưởng thôn Văn Hiệp” đã trở thành cái tên nhận được nhiều thiện cảm trong công chúng, qua seri hài “Gặp nhau cuối tuần” của Đài truyền hình Việt Nam.

Chia sẻ của Trưởng thôn Văn Hiệp kể chuyện diễn hài


Ông từng chia sẻ những bất hạnh của mình trong cuộc sống riêng tư: "Tôi và vợ, gọi là ly thân cũng không quá nhưng ly dị lại thành dở hơi. Người ta vẫn bảo: “Có vợ mà để đi Tây, như xe không khóa để ngay bờ hồ” - tôi đùa lại họ rằng, không những bỏ quên xe mà còn để người ta cưỡi phi sang tận trời tây rồi. Có những người đi nước ngoài thay đổi tình cảm, bỏ chồng vợ ở nhà nhưng tôi thì chắc chắn bà xã mình không có ai. Nhiều người sau lưng hay cười tôi vì chuyện đó. Mà nếu bà ấy có ai khác thật, tôi cũng không nghĩ đó là sự phản bội. Đàn bà một mình vất vả, nếu có đàn ông giúp đỡ mà nảy sinh tình cảm cũng không phải chuyện đáng chê trách. Mình có giữ cũng vô ích. 20 năm một mình nuôi con, kể cũng dài nhưng với tôi đó là giai đoạn đã qua rồi. Tôi không dám nhận mình là người vị tha, chỉ nhận mình là người cư xử đàng hoàng".

Trong những năm khó khăn, vợ ông đã đi lao động xuất khẩu ở Đức để lo cho gia đình. Ông đau đáu: "Nước mình nghèo, phụ nữ đi xuất khẩu lao động để lo cho chồng cho con. Riêng vợ tôi không kiếm được nhiều tiền nên thi thoảng tôi vẫn phải gom tiền gửi sang. Thế nhưng tôi khuyên về thì cô ấy không chịu. Vẫn biết về là hợp lý, nhưng người ta ngại thay đổi và di chuyển. Thôi thì mình già rồi, chẳng còn vặn vẹo nhau chuyện về hay ở làm gì nữa. Vợ hàng năm nếu dành dụm được tiền thì vẫn về nhưng tôi chẳng sang đấy làm gì. Sang đó có gì hay ho đâu. Con trai tôi trước đây cũng ở bên đấy, giờ tôi lại đón về rồi. Ngay cả sang tham quan du lịch tôi cũng chả thích. Mình 68 tuổi rồi, sức khỏe không được tốt, ở nhà túc tắc làm phim thôi. Tôi nhiều bệnh lắm, từng mổ dạ dày, cắt trĩ, lao phổi, đại tràng… Có lúc tuyệt vọng chẳng thiết gì nữa. Tôi từng nói với con, nếu bố có làm sao thì để thở oxi một hai buổi rồi rút ra nhé, vì nhà mình chẳng có tiền". Thời gian vừa rồi, ông ốm nặng, bà cũng về chăm sóc và khi bà vừa quay trở lại Đức thì ông qua đời. Cuối đời ông có một bài thơ rất đúng với hoàn cảnh của mình.

Nghệ sĩ giun
Nơi nào có đất cằn
Nơi ấy có họ nhà giun
Hiền lành chẳng làm đau ai
Mềm oặt như sợi bún

Năm năm, ngày ngày, tháng tháng
Miệt mài thâu đêm suốt sáng
Giun xoắn mình nhọc nhằn nhích dần từng chút một
Và đất và giun tơi xốp

Đơm hoa nảy lộc đón gió lành cùng chim hót véo von

Đất và giun và rất nhiều giun
Đã biến nỗi đau cằn cỗi tối tăm thành nắng xanh, xanh thẳm
Cho cây đời vượt cạn nhú chồi non

Mình thế đấy, đất gọi chúng mình là những nghệ sĩ giun

Xót thương cho 1 cây đại thụ của giới văn nghệ sĩ Việt Nam. 

Chúc Bác ra đi thanh thản!

1 nhận xét:

  1. Sự xót thương vô hạn cho gia đình cho xã hội dần sẽ thiếu đi 1 nhân vật to lớn của làng văn nghệ sĩ Việt Nam đâu rùi những hành động tạo ra tiếng cười đó nữa. Bác ơi. Những cống hiến của Bác chúng cháu sẽ mãi luôn ghi nhớ.

    Trả lờiXóa